Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl (Howl’s Moving Castle) – tác phẩm không chỉ dừng lại ở một câu chuyện tình yêu.
Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl (Howl’s Moving Castle) dường như là một cái tên đã không còn quá xa lạ đối với những ai yêu thích thể loại anime. Với thời lượng kéo dài 119 phút, trong một vương quốc hư cấu, nơi mà cả phép thuật và công nghệ tiên tiến được sử dụng phổ biến, Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl đã đem đến cho người xem những trải nghiệm khó quên khi ở mỗi tình tiết của bộ phim, đạo diễn Miyazaki Hayao đều lồng ghép vào đó những yếu tố của thời đại.
Nữ quyền lên ngôi
Trước hết là nhân vật nữ chính, Sophie, một cô gái trẻ, là thợ làm mũ trong thành phố. Mở đầu phim, Sophie được đặt cho vị trí trung tâm, đối diện với khung cửa sổ, trước mặt là làn khói đen mù mịt của đoàn tàu vừa đi ngang. Khi ấy cô chỉ ngồi một mình, bao quanh là những vật liệu làm nón, đèn dầu, giá treo… Điều này cũng đã phần nào gợi mở về con người của Sophie: vốn là một cô gái sống khép kín, tồn tại song song là nỗi mặc cảm về chính bản thân mình.
Thay vì chọn đi ra ngoài cùng mọi người, Sophie quyết định ở lại tiệm để làm nốt chiếc nón cuối cùng. Hay khi ngắm bản thân trong gương, dù đã cố tỏ ra vui vẻ nhưng cuối cùng Sophie vẫn không thể, cô cau có, kéo mũ che hẳn nửa mặt rồi bỏ đi. Đỉnh điểm là sự thay đổi ngoại hình ngoạn mục từ một cô gái trẻ trở thành bà lão do lời nguyền của phù thủy vùng hoang địa.
Với những cô gái khác, điều này có thể là một cú sốc lớn nhưng ở Sophie, cô đã không quá khó khăn trong việc chấp nhận. Sophie, một cô gái trẻ nhưng với tâm hồn già cỗi nên ngoại hình Sophie bấy giờ cũng phần nào tương thích với thế giới nội tâm của cô. Sophie hiển nhiên chấp nhận thực tại, dù là tiếp tục công việc làm nón của người cha hay ngoại hình bị biến đổi, cô vẫn thuận theo một cách vô điều kiện mà không chút phàn nàn.
Nhưng cũng từ lúc này, Sophie đã dần trở thành một phiên bản khác của chính mình khi cô được xem là nhân vật quyết định cho sự sống còn của Howl. Hai lần Sophie cứu mạng Howl chính là hai lần đánh dấu rõ nét nhất cho tính nữ quyền được thể hiện trong bộ phim. Không còn là cô gái tự ti trước đây, Sophie mạnh mẽ và quyết đoán từ khi sống tại nhà Howl.
Đối diện với Suliman, cô nói về Howl một cách chân thành và trong khoảnh khắc đó, Sophie được quay về với dáng vẻ của một thiếu nữ. Một Sophie khác hẳn ngày trước, cô lúc này thẳng thắn bày tỏ và kiên định với quan điểm của chính mình, điều mà Sophie đã từng nghĩ là mình không thể. Nếu không có Sophie, có lẽ Howl đã chết dưới tay Suliman.
Chính Howl cũng phải thừa nhận về tầm quan trọng của Sophie rằng “Vì nghĩ ở đó có Sophie nên tôi mới đi đấy chứ”. Dù là một pháp sư tài giỏi nhưng Howl vẫn khó lòng tự mình thoát khỏi cái bẫy của người thầy là Suliman và sự xuất hiện của Sophie như tia sáng dẫn đường cho anh.
Và sự quyết đoán của Sophie một lần nữa thể hiện trong phân đoạn cuối phim, thay vì đợi Howl chiến đấu bảo vệ mình thì Sophie liều lĩnh chọn cách chuyển nhà để cứu lấy Howl. Nhờ quyết định đó mà Sophie tìm được về quá khứ của Howl rồi hóa giải sự dây ràng buộc giữa Calcifer và anh, trao trả trái tim của Howl về đúng vị trí của nó. Qua tất cả, trong Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl, Miyazaki Hayao đã giao vào tay Sophie “sổ sinh tử” khi chính cô là nút thắt cuối cùng cho mọi vấn đề.
Chiến tranh và hòa bình
Còn ở Howl, một chàng lãng tử với vẻ ngoài điển trai được lòng mến mộ của biết bao cô gái. Trong chiến tranh, Howl tự thừa nhận rằng mình chỉ là một kẻ hèn nhát, chỉ luôn biết trốn chạy. Nhưng Howl có thật sự là kẻ yếu đuối như anh nói vì nếu thật vậy thì anh đã không tham chiến để bảo vệ Sophie. Từ đó ta thấy rằng thay vì gọi Howl là một kẻ hèn nhát thì sẽ đúng hơn khi nói anh là một người yêu chuộng hòa bình.
Trong chi tiết Howl đi dạo cùng Sophie trên cánh đồng hoa tuyệt đẹp nhưng lại bị gián đoạn do sự xuất hiện của hai chiếc tàu chiến. Khi ấy Howl đã nói “Là kẻ địch hay đồng minh thì cũng như nhau cả thôi. Quân sát nhân cả”. Suy cho cùng, dù là chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa thì kết quả cuối cùng vẫn là sự mất mát, hy sinh.
Chiến tranh diễn ra bắt nguồn từ sự mất tích của vị hoàng tử vương quốc láng giềng. Chỉ vì sự biến mất của một người nhưng đó lại là nguồn cơn dẫn đến sự hy sinh của bao gia đình, thế hệ. Công nghệ sinh ra để phục vụ con người nhưng họ lạm dụng nó cho mục đích cá nhân khi những tàu chiến luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Dù là mục đích rõ ràng, phương tiện hiện đại nhưng hậu quả chiến tranh để lại trong Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl chính là sự đổ nát của một thành phố vốn xa hoa, lộng lẫy, nay chỉ còn là những tàn tro của chiến tranh.
Đạo diễn Miyazaki Hayao, ông đã thổi vào đứa con tinh thần của mình cái hồn của thời đại. Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl tuy ra mắt vào năm 2004 nhưng cho đến hiện tại, các yếu tố trong bộ phim được đề cập đến như tính nữ quyền hay sự phản đối kịch liệt chiến tranh vẫn luôn là những đề tài mang tính thời sự. Đây chính là lý do giải thích vì sao tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao và liên tục nhận về cho mình những giải thưởng danh giá qua các năm.