Mưa Trên Cánh Bướm (Don’t Cry Butterfly) là một bộ phim Việt mang hơi thở mới mẻ và hiện đại đến từ một đạo diễn nữ để nói về một vấn đề gia đình muôn thuở.

 

Poster của Mưa Trên Cánh Bướm

 

Cảm nhận đầu tiên khi xem Mưa Trên Cánh Bướm đó là đây là một bộ phim mặc cho có nhân vật chính là một phụ nữ trung niên, thế nhưng nó được thể hiện qua một hình thức mới mẻ, hiện đại và nhiều năng lượng.

Điển hình nhất có thể thấy rõ đó là nhân vật người chồng/người cha lại chỉ có duy nhất một câu thoại trong phim. Thậm chí, anh chẳng hề cất lên một từ ngữ nào xuyên suốt bộ phim ngoài những tiếng ầm ì, mặc cho hành động của nhân vật này là nguồn cơn chính gây ra những đau khổ cho hai mẹ con Tâm và Hà.

 

Phim có cách thể hiện mới mẻ, hiện đại

 

Mưa Trên Cánh Bướm có chủ đề chính về hôn nhân, những tác động của thế hệ trước lên thế hệ sau và những tập tục mê tín dưới sự ảnh hưởng của công nghệ ngày nay, cũng là khía cạnh tạo ra sự hài hước cho bộ phim.

Chuyện ngoại tình trong phim được thể hiện như một lẽ thường tình, một sự việc xảy ra mỗi ngày, đối với mỗi người, được chia sẻ thông qua những cuộc trò chuyện trực tiếp giữa những người hàng xóm hay các clip livestream, các đoạn video “dạy đời” trên mạng xã hội. Những câu thoại hài như việc các bà vợ sẽ làm gì với người chồng ngoại tình hay hé lộ về những cách thức mê tín để bỏ bùa,… cho thấy sự nhạy cảm đến từ một đạo diễn nữ như Dương Diệu Linh.

 

Bối cảnh thời hiện đại có ảnh hưởng quan trọng lên phim

 

Mưa Trên Cánh Bướm, giống như định vị của Cu Li Không Bao Giờ Khóc, là một bộ phim nghệ thuật dễ xem, với cốt truyện không phức tạp cùng sự đan xen của những tình tiết siêu thực và mơ mộng, kỳ ảo, hệt như như phần nhìn của bộ phim.

Sự dễ xem còn đến từ việc xây dựng một gia đình phụ hệ/phụ quyền quen thuộc với xã hội Việt Nam, như việc vợ làm hết mọi thứ cho chồng, con cái/con gái thì phải đợi bố gắp đũa lên thì mới được ăn, chồng ngoại tình,…

 

Mưa Trên Cánh Bướm có nhiều hình ảnh gia đình quen thuộc

 

Mưa Trên Cánh Bướm không khám phá cách hai vợ chồng tranh cãi hay tạo drama đánh ghen mà chỉ tập trung vào người vợ và người con và cách họ đối mặt với vấn đề đó, hay nói đúng hơn là cách họ chọn không trực tiếp đối mặt với vấn đề mà chạy trốn hoặc tìm đến những phong tục mê tín dị đoan.

Thế nên, phim sử dụng chi tiết trần nhà bị dột nước làm hình ảnh ẩn dụ cho vấn đề to lớn mà gia đình này đang gặp phải, và càng ngó lơ, không đối diện trực tiếp với nó càng lâu thì nước càng ngày càng chảy nhiều hơn, cho đến khi các nhân vật bị nhấn chìm.

 

Phim sử dụng trần nhà dột nước làm hình ảnh ẩn dụ chính

 

Mưa Trên Cánh Bướm có những phân đoạn gây ấn tượng bởi sự xúc động và hồi hộp. Xúc động khi nhân vật người vợ do nữ diễn viên Tú Oanh thủ vai bất đắc dĩ phải đứng lại trên cây cầu rồi tình cờ nhìn ra con sông, để rồi những giọt nước mắt bắt đầu tuôn ra từ lúc nào không hay. Hình ảnh quay cận mặt của Tú Oanh, dẫu cho bà có đang khóc, lại xinh đẹp một cách bất ngờ, có lẽ một đạo diễn nữ như vậy mới có thể nhìn thấy nét đẹp nơi nữ diễn viên của mình.

Sự nhạy cảm của Dương Diệu Linh còn đến từ việc cảm âm qua việc sử dụng nhịp điệu gõ trống từ người bạn của cô con gái Hà để dẫn dắt bộ phim và đỉnh điểm là dùng những tiếng gõ trống dồn dập đó để làm phần nhạc nền cho những vũ điệu của bà đồng khi thực hiện những nghi thức tâm linh.

 

Phân đoạn nhảy tâm linh gây ấn tượng mạnh mẽ

 

 

Khuôn mặt xinh đẹp của nữ diễn viên Tú Oanh trong phim

 

Mưa Trên Cánh Bướm gây ấn tượng bởi lẽ nó cho thấy dấu ấn đậm nét của một đạo diễn nữ như Dương Diệu Linh. Một phim như thế này đôi khi cần có những sự nhạy cảm mà có thể những nam đạo diễn chưa nhìn thấy được hay chưa khám phá hoặc chạm tới, điều có thể hiện rõ qua một câu thoại trong phim:

“Tại sao lúc một đứa trẻ sinh ra, người ta không quan tâm nó có khỏe mạnh hay không mà chỉ quan tâm cái ở giữa hai chân nó là gì?”