Phá Địa Ngục (The Last Dance), một cái tên khơi gợi sự đáng sợ và chết chóc lại là giọng văn kể chuyện chất chứa nhiều nỗi niềm, nhiều êm đềm nhưng cũng lắm phẫn uất. Tất cả để khắc họa một Hồng Kông thời hiện đại, nơi tiếng vang lớn nhất là mâu thuẫn thế hệ gay gắt và đổi thay âm thầm mang tính sát thương.

Mượn cái chết để kể chuyện người sống

Bắt đầu với bối cảnh Hồng Kông đang cố gắng gượng dậy sau đại dịch COVID đã khiến nền kinh tế suy sụp, Phá Địa Ngục kể chuyện về Đạo Sinh vốn là một chuyên gia tổ chức đám cưới. Nhưng suy thoái kinh tế đã khiến anh phải chuyển nghề tổ chức tang lễ.

Trong một nền kinh tế bất ổn, chỉ có cái chết là chắc chắn. Ít nhất là Đạo Sinh đã nghĩ như vậy khi đồng ý tiếp nhận công ty tang lễ của chú Minh, người sắp di cư sang Canada. Chú đưa anh đến gặp gỡ ông Văn, một đạo sĩ với tư tưởng truyền thống đã ngay lập tức mâu thuẫn với tư duy hiện đại của Đạo Sinh.

Phá Địa Ngục sau đó dẫn dắt người xem vào những đám tang, những cái chết và tín ngưỡng của con người nơi đây. Nhưng hiện lên trước mắt chúng ta lại là câu chuyện của người sống.

Đạo Sinh, ông Văn và gia đình đạo sĩ, tất cả những drama cuộc đời của họ được hé lộ từ tốn, giao thoa và cuối cùng hòa vào nhau để hoàn thiện một chương sách trong nhiều chương khác kể về Hồng Kông.

 

Một bộ phim xây dựng trong khôn khổ chặt chẽ

 

Phá Địa Ngục diễn ra như một công thức

Bước vào Phá Địa Ngục như bước vào một câu chuyện sướt mướt dần, một điều mà những khán giả lớn lên với phim ảnh Hồng Kông sẽ thấy rất đỗi quen thuộc. Nền điện ảnh này rất biết cách xóa nhòa ranh giới giữa mô hình phim dài tập trứ danh của họ và phim điện ảnh đòi hỏi kỹ năng kiểm soát thời gian bậc thầy.

Chất “melodrama” đặc trưng cũng vì thế dễ chiếm lấy các khung hình, làm câu chuyện như đang đi qua từng ranh giới vô hình chia cắt các tập phim vậy. Đó là một cảm giác không nhất thiết tồi tệ. Hãy tưởng tượng chúng ta đang “cày” phim trước một màn hình khổng lồ. Khi chống lại thói quen tua phim, thứ mở ra trước mắt là một thế giới đầy nỗi niềm.

 

Mang đậm dấu ấn Hồng Kông

 

Phá Địa Ngục kể chuyện hiệu quả nhất với phong cách phim dài tập đã cho phép nó giữ hai tuyến truyện gần như độc lập với nhau. Để rồi những nhân vật trong mỗi tuyến được phát triển không giới hạn, tự do trong không gian được kiểm soát tỉ mỉ được chồng chéo những mớ drama phức tạp từ công việc đến gia đình.

Đôi lúc, các nhân vật ở tuyến bên kia xuất hiện để đảm bảo rằng câu chuyện chung không bị pha loãng nhưng đó cũng là lúc vấn đề xuất hiện ở bộ phim. Mọi thứ như được đo lường một cách kỹ lưỡng đến mức thủ pháp làm phim mất đi sự phóng khoáng. Còn nhân vật như phải chịu sự sắp đặt có thể đoán trước. Tất nhiên, phim ảnh là một dạng sắp đặt, nhưng có những cách chuyển tiếp khiến mọi thứ tự nhiên và “người” hơn.

 

Nhưng được kiểm soát quá chặt

 

Phân tách kỹ lưỡng cũng vô tình khiến hai tuyến truyện khập khiễng. Mối quan hệ gia đình ba thế hệ của Đạo sĩ Văn “ngốn” không ít thời lượng để được khắc họa đúng điệu, khiến nhân vật chính Đạo Sinh bỗng chìm vào phông nền trong sự khó hiểu.

Nhưng Phá Địa Ngục không vì thế mà mất đi động lực. Từ tốn từng chút một, bộ phim thâu tóm người xem vào những quan điểm đầy nhân tính về người trẻ phẫn uất trong im lặng và nỗi lòng của người lớn tuổi không quen thể hiện cảm xúc.

 

Phá Địa Ngục – Bộ phim chứa đầy nỗi niềm của người trẻ lẫn người già

 

Vẫn là một bộ phim chất chứa nhiều nỗi lòng

Trong những lúc như thế này, bộ phim lại tỏa sáng ở những tình tiết mang đậm tính ám chỉ. Lời thoại gay gắt và ồn ào nhường chỗ cho những khoảng lặng quý giá để từng cái thở dài, từng giọt nước mắt lặng lẽ càng khiến câu chuyện thẩm thấu vào tâm can.

Đạo sĩ Văn được kính trọng vì luôn chú ý bảo tồn truyền thống của nghề đạo sĩ. Song, thứ nghề mang đậm tư tưởng trọng nam như một con dao cùn cứa vào tình thương giữa ông Văn và con gái Nguyệt. Cả hai người mất sức, người đau đớn từ từ. Mặc khác, nó giam cầm con trai trưởng Bân trong thứ văn hóa anh không thể hiểu được.

 

Khi cả hai thế hệ không cùng tiếng nói…

 

Đạo diễn Trần Mậu Hiền để máy quay xoáy vào một trong những truyền thống lâu đời nhất đất Hồng Kông không phải để tôn vinh, mà là để đưa những vết nứt âm thầm bên trong một di sản văn hóa ra ánh sáng.

Một bên là thế hệ đã sống với di sản ấy hết mình, bên kia là một thế hệ tiếp thu những giá trị mới mẻ. Phá Địa Ngục dù ngày càng ra dáng là một drama gia đình, nhưng vẫn gay cấn nhất khi mô tả những kiểu người hiện đại và cuộc vật lộn của họ với truyền thống.

 

Khi hai bên không thể nhường nhau

 

Đạo Sinh không muốn làm cha khi chứng kiến quá nhiều sinh ly tử biệt, trong khi hai anh em Bân và Nguyệt xem nghề gia truyền là nghĩa vụ với cha hơn là một nét văn hóa dân tộc.

Giải pháp đơn giản nhất là một cuộc nói chuyện thẳng thắn về các giá trị, về tư tưởng và sự linh thiêng. Nhưng không có gì đơn giản khi thế hệ trước rất e dè thể hiện tình cảm trong khi thế hệ trẻ lại luôn cảm thấy phải gào thét để được lắng nghe.

Phá Địa Ngục cũng như các nhân vật của mình, mãi loay hoay trong những phẫn uất vượt lên ai đúng, ai sai mới tìm được lối ra. Bộ phim kết thúc với một cái chết như cách nó đã bắt đầu, với nhiều nỗi niềm chực chờ trào dâng tập trung vào đoạn cuối.

Cái kết là lúc bộ phim trầm xuống, cảm xúc lại dâng trào khó tả. Sâu sắc hơn là cái chết cuối cùng đã làm bước đệm cho một gợi ý mang tính mạo hiểm đối với vấn đề lề thói truyền thống phim lồng ghép xuyên suốt.

 

Nhưng ai cũng có cái lý của mình

 

Phá Địa Ngục dành cho những trái tim cần sự chiêm nghiệm

Phá Địa Ngục không phải thể loại dễ xem. Người viết phải thừa nhận điều này. Nhịp điệu từ tốn và nhịp nhàng hiếm khi mang đến những cao trào gay cấn. Tính chính kịch xã hội cần thời gian mới có thể lắng đọng. Phong cách làm phim trong đây càng khiến phim có cảm giác dài ra.

Cho nên, Phá Địa Ngục xem là phải chiêm nghiệm mới có thể hiểu được những góc nhìn trong đây. Chiêm nghiệm rồi mới nhận ra bộ phim này quen thuộc hơn ta nghĩ.